Chú Đại Bi

Chú Đại Bi – Ý nghĩa, lợi ích và cách tụng sao cho đúng

Ý nghĩa của Chú đại bi

Bản thân các câu chú thường có ý nghĩa sâu sắc về cả ngôn từ lẫn âm thanh. Và các bản dịch thường không thể lột tả hết ý nghĩa của câu chú.

Thầy Thích Thiền Tâm (người phiên dịch Chú Đại Bi cũng như cả bộ Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni ra tiếng Việt) đã chia sẻ rằng, thần chú thì thật ra không cần dịch nghĩa. Lý do là khi chúng sanh dùng tâm yên lặng, tin tưởng, thành kính mà niệm chú, tất sẽ khế hợp vớI chân tâm của Phật, Bồ Tát mà được cảm ứng.

Nếu biết nghĩa lý thì dễ sanh niệm phân biệt, cho đoạn này nghĩa như vầy, đoạn kia nghĩa như thế, kết cuộc tâm vẫn ở trong vòng vọng tưởng mỗi khi niệm chú.

Bên cạnh đó, trong một chữ chân ngôn có nhiều nghĩa, nếu dịch nghĩa này thì mất nghĩa kia, không được toàn vẹn. Ví dụ như riêng một chữ A đã hàm súc những nghĩa như bất sanh, bất diệt, không, căn bản, chân thể, và nhiều nghĩa khác nữa.

Các chữ chân ngôn có khi diễn tả âm thanh của tiếng gió reo, nước chảy, tiếng loài chim kêu, đọc lên có sức linh động, nên để nguyên âm. Ví dụ như câu “Tô rô tô rô” là chỉ cho tiếng lá cây ở cõi Phật rơi xuống. Hoặc như chữ “Án” – tiếng Phạn là “Om” (Aum), đọc lên có năng lực thầm kín, làm rung chuyển không gian.

Do đó, chúng ta chuyên tâm niệm chú với tâm tốt lành là được, mà không cần cố nhớ và hiểu mật nghĩa mỗi khi niệm. Dưới đây mình chỉ chia sẻ lại một bản dịch ý nghĩa cơ bản của các câu trong bài Chú Đại Bi. Bạn có thể xem tại video sau:

Xem thêm: Chú Đại Bi tiếng Phạn và tiếng Việt – kèm phiên âm

Lợi ích khi tụng Chú Đại Bi

Trong Kinh Tâm Đà Ra Ni, Quán Thế Âm Bồ Tát nói: “Chúng sanh nào tụng trì Đại Bi thần chú này, có thể trị lành tám muôn bốn ngàn thứ bệnh ở thế gian, hàng phục các thiên ma, ngoại đạo, sai khiến được tất cả quỷ thần.”

“Những kẻ tụng kinh tọa thiền ở nơi non sâu, đồng vắng, bị sơn tinh, tạp mị, các quỉ vọng lượng làm não loạn phá hoại, khiến cho tâm không an định, chỉ cần tụng chú này một biến, các quỉ thần ấy thảy đều bị trói.”

“Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp, khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh, lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả thiện thần, long vương, kim cang mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hoặc thân mạng của chính họ.”

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát lại vì người tụng chú, nói bài kệ thanh lương tiêu trừ tai họa rằng:

  • Hành giả đi lại nơi vắng vẻ. Tụng tâm chú này thì khỏi bị hại.
  • Nếu đi biển cả hoặc sông, hồ, những rồng rắn độc, loài Ma Kiệt, Dạ Xoa, La Sát, cá, rùa lớn nghe tụng chú này tự lánh xa.
  • Nếu gặp người ác đoạt tiền của, chí thành xưng tụng chú Đại Bi, giặc cướp khởi lòng tự thương xót.
  • Nếu bị gông, cùm trói buộc, giam ngục tù, chí thành xưng tụng chú Đại Bi, thì được người mở lòng ân xá.
  • Nếu bị trúng độc, chí thành xưng tụng chú Đại Bi, thuốc độc biến thành nước cam lộ.
  • Nữ nhân bị nạn khi sanh sản, khổ vì ma quái làm ngăn cản, chí thành xưng tụng chú Đại Bi, quỷ tà sợ trốn sinh con an ổn.
  • Chúng sanh đời trược khởi lòng ác, trù ếm hại cho thỏa oán thù, chí thành xưng tụng chú Đại Bi, liền phản trở lại người trù ếm.
  • Chúng sanh cõi trược đời mạt pháp, lửa dâm dục thạnh, tâm điên đảo, ngoại tình, xa vợ, bỏ chồng con, ngày đêm mãi tưởng điều sai quấy, nếu hay xưng tụng chú Đại Bi, lửa dục tiêu trừ, tâm tà dứt.
  • Công lực Đại Bi chỉ lược qua, nếu ta nói hết không cùng kiếp.

Bên cạnh đó, Quán Thế Âm Bồ Tát đã nguyện cho người trì tụng thần chú Đại Bi sẽ được 15 điều lành khi đầu thai.

15 điều tốt lành khi đầu thai:

1. Tùy theo chỗ sanh, thường gặp đấng quốc vương hiền lành.

2. Tùy theo chỗ sanh, thường ở cõi nước an lành.

3. Tùy theo chỗ sanh, thường gặp thời đại tốt,

4. Tùy theo chỗ sanh, thường gặp bạn lành.

5. Tùy theo chỗ sanh, thân căn thường được đầy đủ.

6. Tùy theo chỗ sanh, đạo tâm thuần thục.

7. Tùy theo chỗ sanh, không phạm cấm giới.

8. Tùy theo chỗ sanh, thường được quyến thuộc hòa thuận, có ân nghĩa.

9. Tùy theo chỗ sanh, vật dụng, thức ăn uống thường được đầy đủ.

10. Tùy theo chỗ sanh, thường được người cung kính giúp đỡ.

11. Tùy theo chỗ sanh, tiền của châu báu không bị kẻ khác cướp đoạt.

12. Tùy theo chỗ sanh, những việc mong cầu đều được toại nguyện.

13. Tùy theo chỗ sanh, long thiên, thiện thần thường theo ủng hộ.

14. Tùy theo chỗ sanh, thường được thấy Phật nghe pháp.

15. Tùy theo chỗ sanh, khi nghe chánh pháp ngộ giải nghĩa sâu.

Chú đại bi
Việc tụng chú với niềm tin và hành động hướng thiện, chính là gieo hy vọng và năng lượng tích cực cho chính bạn và người khác.
Nguồn ảnh: Internet

Làm sao tụng trì Chú Đại Bi đúng pháp?

Trong kinh có câu: ‘Nếu tụng trì đúng pháp, tự nhiên sẽ được hiệu quả’. Vậy tụng trì đúng pháp là sao? Trong đây thầy Thích Thiền Tâm sẽ chia sẻ trên hai phương diện:

  • Về mặt giữ gìn giới hạnh: NgườI trì chú cần phải giữ trai giớI, trừ sát, đạo, dâm, vọng, kiêng cữ rượu, thịt, hành, hẹ, tỏi cùng các thức ăn hôi hám. Thân thể thường phải năng tắm gộI, thay đổi y phục cho sạch sẽ, chớ để trong người có mùi hôi. Khi đại tiểu xong, phải rửa tay đọc chú. Trước khi trì chú phải súc miệng cho sạch. Lại nữa, trong thời gian kiết thất trì chú, ngườI ấy chớ nên nói chuyện hí hước tạp nhạp, không nên khởi tâm hờn giận, hoặc tham tưởng sự ăn uống ngủ nghỉ hay sự dục lạc ngoài đời. Phải giữ lòng thanh tịnh, tin tưởng, thành kính.
  • Về mặt lập đàn tụng niệm: Theo đúng pháp, người trì chú nào phải thờ vị Bổn Tôn của chú ấy. Như trì chú Đại Bi thì phải thờ tượng Thiên Nhãn, hoặc tượng Quán Âm 24 tay, 18 tay, 8 tay, 4 tay hay ít lắm là tượng Quán Âm thường cũng được. Nên để tượng day mặt về phương Tây. Theo quyển Bách Lục Thỉnh Quán Âm Nghi thì nếu có tượng Bổn Sư nên để tượng Thích Ca hướng về phương Nam, tượng Quán Âm hướng về phương Đông. Đàn tràng nên lựa chỗ vắng lặng sạch sẽ, thường dùng hương, hoa, nước trái cây, cùng các thứ ăn uống cúng dường tôn tượng. Nếu có phương tiện, treo tràng phan, bảo cái lại càng tốt. Thời gian cầu nguyện hoặc 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày nên giữ cho đúng. Trước khi vào đàn, phải kiết giới y như kinh đã chỉ dạy. Trong một ngày đêm, chia ra làm 3, 4 hoặc 6 thờI, tụng niệm tiếp tục, tiếng tụng cần phải rành rẽ, rõ ràng. Ngoài ra, nghi thức lễ bái, trì niệm cũng cần phải biết và học thuộc trước.

Trên đây là nói về cách lập đàn kiết giới tụng niệm để cầu cho được mau hiệu nghiệm, nếu người thường tụng trì, không bắt buộc phải theo lệ ấy. Nhưng trong 2 phương diện trên, gắng giữ được phần nào lại càng hay.

Thầy cũng chia sẻ rằng: “Chúng sanh căn cơ, tâm bịnh, sở thích vô cùng. Giáo môn của Phật, Bồ Tát cũng chia ra vô lượng, dịch ra quyển này, tôi chỉ kính vâng theo bi nguyện của chư Phật, Bồ Tát, và thuận với sự mong cầu, thích hợp của hành nhơn mà thôi. Nếu vị nào lấy tâm Bồ Đề làm nhân, tùy theo chí nguyện, lựa một pháp môn tu đều có thể giải thoát.

Nhưng, chúng sanh đờI mạt pháp, phần nhiều là hàng trung, hạ, ít có bậc thượng căn, cần nương nhờ nơi tha lực mới mong được kết quả chắc chắn. Tịnh tông và Mật Tông đều thuộc về tha lực pháp môn, mà Tịnh tông lại là chỗ quy túc cho các tông khác.

Nguyện xin các đồng nhơn, từ đây dứt dữ làm lành, tin sâu lý nhân quả, rồi hoặc chuyên niệm Phật, hoặc lấy niệm Phật làm chánh, tụng kinh, trì chú, tham thiền làm trợ, để tự tu và khuyên người.

Như thế mới là mưu hạnh phúc cho chính mình, cho thân nhơn và tất cả sanh loại. Như thế mới có thể chuyển họa thành phước, đổi cảnh trạng thống khổ trước mắt thành cảnh giới an ổn, vui tươi.

Để rồi ngày lâm chung, lại được cùng nhau chân bước lên chín phẩm liên đài, thân ra khỏi 3 ngàn thế giới, thấy Di Đà trong hiện kiếp, chứng đạo giác nơi tương lai.”

Phương pháp tụng Chú Đại Bi đơn giản cho mọi người

Trên thực tế, để đơn giản cho mọi người thì khi tụng chú, bạn có thể làm việc này vào bất kỳ thời gian nào thu xếp được, bất kể ngày đêm.

Chú đại bi
Bạn có thể tụng Chú Đại Bi bất cứ khi nào thuận tiện, chỉ cần thật sự chú tâm vào các câu chữ là được.
Nguồn ảnh: Aaron Burden từ Unsplash.

Điều quan trọng nhất khi tụng chú, đó là sự chú tâm vào lời chú, và mong muốn hướng thiện, chuyển hoá mọi nghiệp quả do mình đã tạo ra trong kiếp này cũng như kiếp trước. Mong muốn tiếp tục tu hành, thanh tẩy thân tâm.

Bạn có thể tụng Chú Đại Bi nhiều lần, mỗi lần tụng được gọi là 1 biến. Ví dụ như bạn tụng 5 lần, thì được gọi là 5 biến. Việc bạn tụng bao nhiêu biến là tuỳ sự sắp xếp và linh hoạt của mỗi người trong các thời điểm khác nhau.

Ngoài ra, có nhiều cách niệm kinh Phật nói chung và tụng Chú Đại Bi nói riêng, mỗi người có thể tự chọn cho mình cách tụng phù hợp nhất.

Trong đó, có 4 phương pháp tụng chú cơ bản sau:

  • Đọc rõ thành tiếng, tốc độ nhanh chậm tuỳ bạn. Khi đọc bạn nên chú tâm vào âm thanh của chú, đừng để cho những suy nghĩ trong đầu kịp khởi lên. Với cách đọc này thì âm thanh ở bên ngoài, dùng tai để nghe, dùng tâm để trụ.
  • Đọc thầm hoặc nhép miệng. Với cách đọc này thì âm thanh của chú nằm ở trong đầu, dùng tâm để trụ nhưng hơi miệng thì thoát ra ngoài.
  • Đọc thầm trong tâm. Cách đọc này thuận tiện khi bạn không có nơi yên tĩnh một mình để đọc. Tuy nhiên, khi đọc bạn có thể dễ bị phân tâm vì những suy nghĩ trong đầu. Khi đó, bạn nên chú tâm vào âm thanh của chú trong đầu. Nếu có tư tưởng khởi lên thì dùng tâm trụ trở lại âm thanh.
  • Nghe bản tụng chú và đọc theo. Bạn có thể tìm nghe các bản tụng Chú Đại Bi phù hợp, và nhìn lời để đọc nhép theo cho quen. Nếu có thể thuộc được thì càng tốt.

Mỗi người, tại mỗi thời điểm có thể phù hợp với các câu chú khác nhau. Bạn có thể thử trải nghiệm và tự cảm nhận tác động của việc niệm chú Đại Bi cũng như các câu chú khác với mình nhé.

Cầu mong cho các bạn được an lạc thân tâm.

Nhấn để xem thêm bài viết về 8 lợi ích của thiền Vipassana

Review sách Giận – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Review sách – Muôn kiếp nhân sinh – phần 1 và 2

Lòng biết ơn – Bí mật chuyển hoá nghiệp quả.

Write first comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.